Khi bổ sung dinh dưỡng trong thai kỳ cho phụ nữ mang thai cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu là chất bột đường, chất đạm, chất béo, các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất. Trong đó, theo từng giai đoạn của thai kỳ sẽ có những chế độ dinh dưỡng khác nhau để đáp ứng sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi trong cơ thể của mẹ.
1. Tam cá nguyệt đầu tiên (Tuần 1-13)
Trong giai đoạn này, mẹ bầu thường gặp phải ốm nghén, ăn uống khó khăn và dễ cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, đây là giai đoạn hầu hết các cơ quan quan trọng của phôi hình thành nên dù không ăn được nhiều mẹ bầu vẫn nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng. Đồng thời, cần tập trung bổ sung những chất dinh dưỡng thiết yếu giúp thai nhi phát triển ống thần kinh và giảm cảm giác buồn nôn cho mẹ.
Axit folic: Giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Có thể bổ sung qua rau xanh, cam, đậu hạt, và các sản phẩm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
Protein: Giúp phát triển các mô và cơ bắp cho bé, có trong trứng, thịt gà, cá và sữa.
Vitamin B6: Giúp giảm triệu chứng ốm nghén, có trong chuối, khoai tây và các loại hạt.
Những lưu ý: Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ và gia vị mạnh, tránh caffein và thực phẩm sống.
2. Tam cá nguyệt thứ hai (Tuần 14-27)
Đây là giai đoạn bé bắt đầu phát triển mạnh về xương và các cơ quan. Mẹ bầu nên tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng hỗ trợ xương và máu.
Canxi và Vitamin D: Giúp hình thành xương và răng cho thai nhi, có nhiều trong sữa, sữa chua, phô mai và ánh nắng mặt trời.
Sắt: Hỗ trợ sản sinh máu, ngăn ngừa thiếu máu, có trong thịt đỏ, rau bina và ngũ cốc nguyên hạt. Kết hợp với vitamin C để tăng khả năng hấp thu sắt.
Omega-3 và DHA: Giúp phát triển não bộ và thị lực, có trong cá hồi, cá mòi, hạt chia, và hạt óc chó.
Những lưu ý: Uống nhiều nước, tránh ăn quá no để giảm nguy cơ ợ nóng, tăng cường rau xanh và chất xơ để ngăn ngừa táo bón. Mẹ cũng không nên ăn quá nhiều mà chỉ nên tăng khẩu phần ăn lên khoảng 300-400kcal/ngày (tương đương khoảng 2 bát cơm trắng và 2 ly sữa ít béo). Bởi việc tăng cân quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tiền sản giật…
3. Tam cá nguyệt thứ ba (Tuần 28-40)
Trong giai đoạn cuối, bé phát triển nhanh và cân nặng tăng lên đáng kể. Cần bổ sung dinh dưỡng để hỗ trợ phát triển hoàn thiện và tăng sức đề kháng.
Protein và Carbohydrate: Để duy trì năng lượng và cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi, có trong thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
Chất xơ: Giúp mẹ bầu giảm táo bón, có trong rau củ quả, ngũ cốc và các loại hạt.
Vitamin K: Hỗ trợ đông máu cho mẹ, có trong cải xoăn, rau bina, bông cải xanh.
Nước: Uống đủ nước để duy trì tuần hoàn máu, hỗ trợ giảm phù nề.
Những lưu ý: Hạn chế muối để tránh phù nề, ăn nhiều bữa nhỏ để giảm khó tiêu, chọn thực phẩm dễ tiêu và bổ sung đầy đủ vitamin theo chỉ định.
Không chỉ trong 3 tháng đầu thai kỳ, đối với chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu trong 9 tháng mang thai các mẹ cần kiêng sử dụng hoặc tiếp xúc với các chất kích thích, hóa chất, và các loại virus gây bệnh để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Hơn nữa, để tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé, việc uống thuốc chữa bệnh cũng cần theo chỉ định của bác sĩ. Tốt nhất, trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu không nên đến chỗ đông người, để giảm thiểu tối đa khả năng lây nhiễm bệnh.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp mẹ điều chỉnh một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho sự phát triển của em bé trong suốt 9 tháng thai kỳ.