Khám thai là việc làm quan trọng và vô cùng cần thiết đối với phụ nữ mang thai. Tuân thủ đầy đủ và đúng lịch khám được bác sĩ chỉ định sẽ giúp mẹ bầu nắm được sự phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn, cũng như được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng ở từng tam cá nguyệt để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Cùng MIC điểm lại các cột mốc khám thai quan trọng mẹ nhé!
1. Khám thai lần đầu tiên: Khoảng tuần thứ 5 – thứ 8 sau khi phát hiện có thai
Đây là mốc khám thai cực kỳ quan trọng mà mẹ bầu không thể bỏ qua. Tại buổi khám thai này, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng, siêu âm đầu dò âm đạo, tính tuổi thai và ngày dự sinh của bé. Có thể xét nghiệm máu về hormone bHcg trong các trường hợp siêu âm chưa rõ túi thai hoặc siêu âm có biểu hiện thai bất thường. Đồng thời bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu cách bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho thai kỳ, các loại thuốc và thực phẩm cần tránh.
2. Lần khám thứ 2: Khoảng từ 8 – 10 tuần
Trong lần khám này, mẹ bầu sẽ thực hiện các xét nghiệm sau:
– Xét nghiệm công thức máu, nhóm máu
– Xét nghiệm viêm gan B, C. Nếu HbsAg dương tính phải làm thêm xét nghiệm HbeAG, SGOT, SGPT và chuyển khám nội khoa.
– Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm gây dị tật thai nhi. Ngoài ra mẹ sẽ thực hiện các xét nghiệm chức năng tuyến giáp và đo lượng đường trong máu để điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý.
Nếu kết quả cho thấy mẹ bầu bị nhiễm trùng trong thai kỳ, sẽ phải khám tiền sản và tư vấn nguy cơ nhiễm trùng thai.
3. Lần khám thai thứ 3: Tuần thứ 11 – 13
– Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, điện tim và siêu âm để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi
– Xét nghiệm chức năng thận để bác sĩ có hướng dẫn thích hợp trong việc theo dõi thai kỳ
– Xét nghiệm Double test và siêu âm các bất thường như thoái vị rốn, bàng quang lớn
– Siêu âm đo độ mờ da gáy để đánh giá nguy cơ hội chứng Down
4. Lần khám thai thứ 4: Tuần 15 – 17
Thực hiện khám lâm sàng, siêu âm thai, tổng phân tích nước tiểu, tư vấn chủng ngừa và đánh giá nguy cơ sinh non.
5. Lần khám thai thứ 5: Tuần 20 – 22
Thực hiện khám lâm sàng, tiêm ngừa uốn ván VAT mũi 1, siêu âm 4D
6. Lần khám thai thứ 6: Tuần 24 – 16
Thực hiệm nghiệm pháp dung nạp đường cho phép chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ.
7. Lần khám thai thứ 7: Tuần 26 – 32
Khám nội khoa tổng quát lần 2, đo điện tim, xét nghiệm chức năng gan thận, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm thai.
8. Lần khám thai thứ 8, 9: Tuần 32 – 34, 34 – 36
Thực hiện đo tim thai và hoạt động của cơn co tử cung CTG, siêu âm thai, tổng phân tích nước tiểu. Đồng thời với mẹ bầu trên 35 tuổi hoặc có bệnh lý tim mạch bất kỳ cũng như song thai, sẽ thực hiện siêu âm tim mẹ.
9. Lần khám thai thứ 10: Tuần 35 – 37
Thực hiện các xét nghiệm quan trọng như: cấy tìm liên cầu khuẩn nhóm B, soi nhuộm vi khuẩn âm đạo. Đồng thời bác sĩ sẽ khám tiền mê, kiểm tra dị ứng thuốc, sức khỏe sản phụ để dự trù máu nếu cần. Xét nghiệm chức năng đông máu: TP, TCA, INR, IAS.
10. Lần khám thai thứ 11: Tuần 37 – 40
Bác sĩ sẽ chỉ định khám thai mỗi tuần 1 lần trước khi sinh. Trong các lần khám này sẽ thực hiện khám lâm sàng, đo tim thai và hoạt động của cơn co tử cung, nhằm phát hiện bất thường kịp thời trong quá trình khám thai định kỳ.
Các mẹ hãy lưu ngay lịch khám thai định kỳ trên đây để có một thai kỳ khỏe mạnh và an tâm nhé!